Món ăn giúp ngực săn chắc

mon-an-giup-nguc-san-chac-hon

Chân giò hầm lạc, hạt dẻ: chân giò lợn 2 chiếc, lạc nhân, hạt dẻ mỗi thứ 100g, nhân sâm một ít. Chân giò lợn bỏ móng, rửa sạch, chặt miếng như bao diêm. Cho chân giò, nhân sâm, lạc, hạt dẻ vào cùng nhau, đổ nước ninh đến khi chân giò mềm là được. Món ăn này có tác dụng thông tuyến sữa, tăng sữa và tăng độ đàn hồi cho ngực. Phụ nữ đang nuôi con nhỏ nên ăn món này.

Mon-an-giup-nguc-san-chac-rau-bap-cai-xao

Bắp cải xào giúp ngực săn chắc hơn

Rau bắp cải xào: bắp cải 500g, hành tươi, hành khô, dầu ăn, gia vị đủ dùng. Bắp cải thái nhỏ, rửa sạch. Phi thơm hành rồi đổ bắp cải vào xào chín, nêm gia vị là dùng được. Bắp cải có nhiều vitamin E và những chất có lợi cho việc kích thích tăng trưởng hormon nữ.

Ích mẫu, đậu đen: đậu đen 60g, ích mẫu 30g, đường đỏ, nước đủ dùng. Ích mẫu, đậu đen rửa sạch ngâm trong nước. Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi rồi đổ đậu đen và ích mẫu vào đun, đến khi đậu đen chín nhừ thì cho đường đỏ vào đun sôi là được, ăn cả nước lẫn cái, ăn liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày 1 thang.

Cháo nhân sâm: gạo tẻ ngon 50g, nhân sâm 10g, nước đủ dùng. Nhân sâm rửa sạch, cho vào nồi đun khoảng 30 phút chắt lấy nước. Gạo vo sạch, nấu thành cháo. Khi cháo gần chín cho nước nhân sâm vào đun sôi là được. Ăn 1 ngày 1 lần, ăn liên tục trong 5 ngày. Món cháo này có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, săn chắc ngực.

BS. Đào Sơn Minh

Nhận biết đậu phụ chứa thạch cao

Lê Thị Hoài (Lạng Sơn)

Vì lợi nhuận nhiều người kinh doanh vẫn cho thêm bột thạch cao vào trong quá trình sản xuất đậu phụ vì thạch cao tác động với các chất có trong đậu tương giúp váng đậu nổi lên nhanh, dễ keo tụ, tăng sản lượng từ đó giúp cơ sở sản xuất thu được nhiều thành phẩm hơn để hạ giá thành sản phẩm.

Thạch cao dùng trong xây dựng có lẫn nhiều tạp chất, tùy theo vùng khai thác có thể chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmi... Nếu sử dụng thạch cao còn lẫn nhiều tạp chất cho thực phẩm sẽ gây bệnh tùy theo loại kim loại nhiễm phải, chẳng hạn như nhiễm chì sẽ gây ngộ độc chì, đau bụng, buồn nôn, suy gan, thận, trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.

Để phân biệt đậu phụ chứa thạch cao hay không, chủ yếu dựa vào trực quan là chính. Khi đi mua về ăn thấy miếng đậu phụ có mùi thơm và vị béo đặc trưng của đậu nành, giống như khi ăn váng sữa đậu nành còn nóng là đậu phụ được làm theo cách an toàn, không có chứa thạch cao. Ngoài ra, đậu phụ không chứa thạch cao khi cầm lên tay thấy hơi nhẹ, miếng đậu mềm, nhìn có màu trắng kem. Còn đậu phụ cho nhiều thạch cao thường có vị hơi chát, nếu cho nhiều bột thì sờ vào thấy cứng, nặng tay.

Bác sĩ Lê Thanh Hải

Thực phẩm nên tránh khi bị cúm

Sữa

Sữa sẽ làm gia tăng sự sản sinh dịch nhầy trong phổi. Vì vậy, bạn nên tránh uống sữa khi đang bị nhiễm vi-rút cúm để tránh tắc nghẽn ngực và nghẹt mũi, gây khó thở.

Thịt đỏ

Khi bị cúm, hệ tiêu hóa của bạn có thể khó hoạt động bình thường. Thịt đỏ không dễ tiêu hóa. Nó có thể khiến cơ thể phải nỗ lực để tiêu hóa chúng. Thay vì dùng thịt đỏ, hãy nghỉ ngơi đầy đủ và dùng những thực phẩm dễ tiêu hơn.

Thực phẩm cay

Thực phẩm cay nằm trong số những thực phẩm hàng đầu bạn không nên ăn trong khi đang bị bệnh. Bạn nên ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa và hấp thu.

Thực phẩm chiên rán

Việc tránh sử dụng những thực phẩm nhiều dầu mỡ này sẽ khiến cơ thể có nhiều năng lượng hơn để chiến đấu chống lại vi-rút thay vì phải tiêu hóa thức ăn.

Pho mai

Là một sản phẩm từ sữa, pho mai là lựa chọn sai lầm khi bạn đang bị cúm vì nó sẽ tăng cường sản sinh chất nhầy, gây tắc nghẽn ngực.

Trà/cà phê

Trà và cà phê là loại đồ uống lợi tiểu mạnh. Việc sử dụng những loại đồ uống này khi đang bị bệnh sẽ có thể khiến cơ thể bị mất nước.

BS Thu Vân

(Theo Boldsky)

Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển chiều cao trong 1000 ngày đầu đời

1000 ngày vàng chính là thời điểm từ lúc bạn có thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đầu tư vào dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này (1000 ngày đầu đời) chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của bé.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: trong 1000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành.

Ngược lại, trong 1000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn. Chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày – nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2).

Chế độ dinh dưỡng bà mẹ có thai

Trong thời gian có thai người mẹ cần tăng cân từ 10 - 12kg, để sinh con có cân nặng khoảng 3000 gam. Mức tăng cân của bà mẹ và cân nặng của trẻ khi sinh nó phụ thuộc vào khẩu phần của mẹ. Nếu khẩu phần có mức năng lượng thấp, mẹ tăng cân ít sẽ có nguy cơ trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2500 g (suy dinh dưỡng bào thai).

Mức tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai. Nhu cầu năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày: của phụ nữ (không có thai) là 2050 Kcal, khi có thai 3 tháng đầu thêm 50 Kcal (2050+50), khi thai 3 tháng giữa thêm 250 Kcal, 3 tháng cuối thêm 450 Kcal và khi cho con bú thêm 500 Kcal/ngày.

Phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, nữ tuổi vị thành niên cần uống viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất phòng chống thiếu máu thiếu sắt. Với phụ nữ không có thai uống bổ sung viên sắt/acid folic (60 mg sắt nguyên tố, 2800 mcg acid folic), liều lượng 1 viên/tuần (vào 1 ngày nhất định) trong 3 tháng, nghỉ 3 tháng, sau đó tiếp tục uống bổ sung 3 tháng. Việc bổ sung viên sắt/acid folic có thể lặp lại chu kỳ này trong năm.

Với phụ nữ có thai uống bổ sung viên sắt/acid folic (60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic), liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới 1 tháng sau đẻ.

Trong thời gian có thai người mẹ cần tăng cân từ 10 - 12kg

Nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung

Khi sinh con bà mẹ cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 tiếng đầu tiên. Bú sớm có tác dụng làm cho sữa xuống nhanh, co hồi tử cung và bú được sữa non rất tốt cho bé vì sữa non có gía trị dinh dưỡng cao, các kháng thể chống lại bệnh tật, dễ tiêu hóa với trẻ và giúp thải phân xu ra ngoài. Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến 18-24 tháng tuổi.

Từ tháng thứ 7, cùng với sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm (thức ăn bổ sung), số bữa ăn hàng ngày tùy theo tháng tuổi: 6 tháng tuổi ăn 1 bữa bột loãng, 7-9 tháng ăn 2-3 bữa bột đặc, 10-12 tháng ăn 3-4 bữa bột đặc. Trẻ từ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Mỗi ngày uống 400-500 ml sữa (nếu không có sữa mẹ).

Một trẻ khoẻ mạnh, phát triển bình thường khi ăn đủ nhu cầu sẽ tăng cân hàng tháng. Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khoẻ mạnh trung bình khoảng 3000 gam (3kg); 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh tăng cân từ 1000-1200g/tháng; 3 tháng tiếp theo tăng cân từ 500 - 600g/tháng; 6 tháng tiếp theo chỉ tăng cân từ 300-400g/tháng, khi 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9-10 kg). Trẻ từ 2-10 tuổi cân nặng tăng trung bình 2,4 kg/năm và có thể tính theo công thức sau:

Xn = 9,5 kg + 2,4 kg x ( N-1)

Xn là cân nặng hiện tại của trẻ (kg)

9,5 là cân nặng của trẻ lúc 1 tuổi

2,4 là cân nặng tăng trung bình trong 1 năm

N là số tuổi của trẻ (tính theo năm)

Chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh khoảng 50 cm, 3 tháng đầu trẻ tăng 3-4,5 cm/tháng, 3 tháng tiếp theo tăng từ 2-2,5 cm/tháng, 3 tháng tiếp tăng 2cm/tháng, những tháng tiếp theo tăng từ 1-1,5 cm.

Khi sinh con bà mẹ cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 tiếng đầu tiên

Khi trẻ 1 tuổi có chiều dài gấp 1,5 lần lúc mới sinh (75 cm), trẻ 2 tuổi chiều cao là 86-87 cm (bằng ½ chiều cao người trưởng thành), trẻ 3 tuổi có chiều cao là 95-96 cm, trẻ từ 4 – 10 tuổi chiều cao tăng trung bình 6,2 cm/năm và có thể áp dụng công thức sau:

Xc = 95,5 cm + 6,2 cm x (N-3)

Xc là chiều cao nên có của trẻ (cm)

95,5 là chiều cao của trẻ lúc 3 tuổi

6,2 là chiều cao tăng trung bình trong 1 năm

N là số tuổi của trẻ (tính theo năm)

Giai đoạn vị thành niên (từ 10-18 tuổi): Vị thành niên là một giai đoạn chuyển

tiếp của sự phát triển từ tuổi thơ sang người lớn: “Tuổi không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa phải là người lớn”. Để có chiều cao và tình trạng dinh dưỡng tốt khi trưởng thành, đồng thời có sức khỏe tốt giai đoạn tiền hôn nhân, thì những can thiệp dinh dưỡng sớm giúp trẻ phát triển tối ưu về chiều cao. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ vị thành niên rất quan trọng, vì lứa tuổi này tốc độ phát triển nhanh cả về chiều cao và cân nặng.

Nguồn protein động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sưa, tôm, cua

Cân nặng trung bình giai đoạn này tăng từ 3-5 kg/năm, chiều cao có thể tăng từ 10-15 cm/năm và trẻ trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đòi hỏi rất cao cho sự phát triển cũng như hoạt động, trẻ thường ăn không biết no. Nhu cầu dinh dưỡng cho lứa tuổi này, trước hết là vấn đề năng lượng, nhu cầu này tùy theo giới tính, độ tuổi. Nhưng một số trẻ nữ lại ăn ít để giữ thân hình, vóc dáng điều đó làm hạn chế sự phát triển.

- Năng lượng: nhu cầu năng lượng từ 1.900-2.300 kcal/ngày/nữ và 2.100-2.800 kcal/ngày/nam. Để đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn 3 bữa một ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng.

- Đạm: Protein rất cần thiết để phát triển về chiều cao và cân nặng, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố (hoóc môn) và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể.

Nhu cầu protein hàng ngày là 50-70 g/nam và 50-60 g/nữ, tỷ lệ protein động vật/protein tổng số là ≥ 35%, năng lượng từ chất protein cung cấp chiếm 13-20% năng lượng của khẩu phần.

Nguồn protein động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sưa, tôm, cua... Nguồn protein thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc,..

- Chất béo: Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu: vitaminA, E, D, K. Nhu cầu về lipid từ 60-78 g/ngày/nam và 55-66 g/ngày/nữ, tỷ lệ cân đối giữa lipid động vật và lipid thực vật là 70% và 30%. Năng lượng do lipid cung cấp trong khẩu phần chiếm khoảng 20-30%.

Chất sắt: Nhu cầu sắt hàng ngày được đáp ứng thông qua chế độ ăn giàu sắt và sắt có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt gía trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay giai đoạn đầu vị thành niên, đặc biệt là trẻ gái cần uống bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần.

Mâm cơm mỗi ngày cần cho trẻ ăn uống đủ chất. Hình: Minh họa

Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 11-17 mg/ngày, trẻ nữ cần 11-29 mg/ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà,..

Vitamin A: Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. VitaminA có nhiều trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa...; thức ăn thực vật cung cấp nguồn caroten như rau xanh, giấc, qủa màu vàng. Nhu cầu vitaminA hàng ngày lứa tuổi vị thành niên là 800 µg /ngày/nam và 650 µg/ngày/nữ.

Canxi: Rất cần cho lứa tuổi dậy thì vì tốc độ tăng trưởng chiều cao rất nhanh nhu cầu canxi nhiều, vì vậy nhu cầu can xi là 1000 mg/ngày. Canxi cùng với phospho để duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc.

Nhu cầu vitamin D tuổi vị thành niên là 15 µg/ngày. Sữa là sản phẩm cung cấp nguồn chất đạm và can xi, với trẻ không uống thích uống sữa, có thể dùng các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai hoặc sử dụng các thực phẩm giàu can xi như tôm, cua, cá và hải sản.

Kẽm: Kẽm cần thiết cho sự tăng trưởng cả cân nặng và chiều cao của cơ thể. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Nhu cầu kẽm hàng ngày là 9-10 mg/nam và 7-8 mg/nữ. Thực phẩm nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..).

Vitamin C: VitaminC giúp hấp thu và sử dụng sắt, canxi và axit folic. Ngoài ra nó còn có chức năng chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, bảo vệ thành mạch. Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín. Nhu cầu vitamin ở tuổi vị thành niên là 95 mg/ngày.

Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Tăng cường sức khỏe tim bằng thực phẩm

Các loại quả mọng

Các loại quả mọng chứa chất xơ hòa tan và các dưỡng chất tốt cho tim. Bạn hãy bổ sung các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi vào chế độ ăn hàng ngày.

Hạt lanh

Hạt lanh chứa acid béo omega-3, chất xơ và phytoestrogen giúp tăng cường sức khỏe tim. Bạn hãy dùng dạng nghiền hoặc cán mỏng để phát huy lợi ích.

Các loại đậu

Các loại đậu như đậu đen, đậu tây giàu chất xơ, các vitamin B và khoáng chất. Chúng được xem là một trong những thực phẩm tốt cho tim.

Rượu vang đỏ

Sử dụng rượu vang đỏ hợp lý có thể giúp cải thiện nồng độ cholesterol tốt và tăng cường sức khỏe tim.

Cam

Cam chứa beta-carotene, kali, magiê và chất xơ được xem là loại quả tốt nhất cho tim.

Măng tây

Măng tây giàu các dưỡng chất như beta-carotene, folate và chất xơ. Thường xuyên sử dụng măng tây giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tim mạch.

Cà chua

Cà chua là nguồn cung cấp lycopene, vitamin C và beta-carotene. Bạn nên ăn thường xuyên để bảo vệ tim.

Súp lơ

Súp lơ chứa một số dưỡng chất như vitamin C, E, kali, folate, calci và chất xơ là lựa chọn tốt cho sức khỏe tim.

BS P.Liên

(Theo boldsky)

Vai trò của dinh dưỡng với người bệnh ung thư

Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Người bệnh được cung cấp dinh dưỡng đúng trước, trong và sau khi điều trị sẽ giúp cơ thể thoải mái và mạnh khỏe hơn.

Chế độ dinh dưỡng quan trọng với người bệnh ung thư, vì sao?

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng cho người bệnh ung thư vì bệnh tật và liệu trình điều trị làm thay đổi thói quen ăn uống, thay đổi tính thích nghi của cơ thể đối với thức ăn và dinh dưỡng.

Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người bệnh không giống nhau. Chế độ dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị sẽ giúp người bệnh:

- Cảm giác thoải mái hơn.

- Duy trì sức khỏe và năng lượng.

- Duy trì cân nặng và nguồn dinh dưỡng dự trữ.

- Dung nạp các tác dụng phụ của thuốc tốt hơn.

- Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

- Nhanh hồi phục tổn thương.

Dinh dưỡng tốt nghĩa là ăn đa dạng thức ăn để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể chống lại bệnh tật, bao gồm chất đạm, tinh bột/đường, mỡ, nước, vitamin và muối khoáng.

Vai trò cụ thể của từng chất dinh dưỡng như thế nào?

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc hồi phục sức khoẻ bệnh nhân ung thư.

Chất đạm (Proteins)

Bình thường, con người cần chất đạm để tăng trưởng, sửa chữa các tổn thương mô và giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh. Khi cơ thể không được cung cấp đủ chất đạm thì các mô cơ trong cơ thể sẽ được huy động để sử dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu hao của cơ thể, khi đó bệnh sẽ lâu khỏi và giảm khả năng chống chọi với các bệnh nhiễm khuẩn.

Đối với bệnh nhân ung thư thì nhu cầu chất đạm lại cần thiết hơn. Sau các liệu trình điều trị như phẫu thuật, hóa chất, tia xạ thì cần phải tăng cường chất đạm để giúp vết thương mau lành và tăng khả năng chống nhiễm khuẩn.

Nguồn dinh dưỡng cung cấp chất đạm tốt gồm: cá, gia cầm, thịt, trứng, sữa ít mỡ, các loại hạt, đậu và sản phẩm của đậu.

Chất béo (Fats)

Chất béo đóng một vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng. Các chất béo (mỡ và dầu) sẽ tạo nên các acid béo và là nguồn dinh dưỡng giàu năng lượng cho cơ thể. Chất béo sẽ được chuyển hóa và sử dụng để dự trữ năng lượng, phân tách các mô và vận chuyển một số loại vitamin trong cơ thể.

Có nhiều loại chất béo khác nhau. Khi cân nhắc đến tác dụng của chất béo đối với bệnh tim mạch thì nên chọn chất béo không bão hòa đơn (monounsaturated) và chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated) mà không nên chọn chất béo bão hòa (saturated) hoặc chất béo chuyển tiếp (trans).

- Chất béo đơn dòng: có trong dầu thực vật như dầu ôliu, dầu lạc.

- Chất béo đa dòng: có trong dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu ngô.

- Chất béo bão hòa: có nguồn gốc từ động vật (gia súc, gia cầm, bơ, sữa..), từ thực vật (dừa). Không nên sử dụng quá 10% chất béo bão hòa trong số chất béo cần thiết.

- Chất béo chuyển tiếp: hình thành khi dầu thực vật được chế biến thành bơ thực vật và có trong một số sản phẩm sữa. Không nên ăn loại chất béo này.

Tinh bột, chất đường (Carbohydrates)

Cacbon hyđrat gồm có tinh bột và đường, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động thể lực và chức năng của các cơ quan. Nguồn cacbon hydrate tốt nhất là từ hoa quả, rau và ngũ cốc. Các thực phẩm này cũng là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.

Nước

Nước và các chất dịch có vai trò sống còn đối với sức khỏe. Tất cả các tế bào trong cơ thể cần nước để thực hiện chức năng. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước hoặc bị mất nước (do nôn, tiêu chảy) thì cơ thể sẽ trong tình trạng mất nước. Như vậy thì sẽ làm mất cân bằng nước và khoáng chất, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nước cũng được bổ sung từ thức ăn, nhưng mỗi người cần uống thêm 1.5 - 2.0 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể hoạt động. Trường hợp bị tiêu chảy hoặc nôn thì phải bù nhiều nước hơn.

Vitamin và khoáng chất

Cơ thể cần một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất để đảm bảo chức năng hoạt động của các cơ quan. Thông thường, vitamin và khoáng chất có trong các thực phẩm tự nhiên. Đối với những người ăn uống cân bằng thì thực phẩm có thể cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất. Nhưng đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư, do ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc mà người bệnh thường ăn kém, không đảm bảo dinh dưỡng. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung thêm các sản phẩm vitamin, khoáng chất tổng hợp, dùng hàng ngày. Người bệnh không được tùy tiện sử dụng các sản phẩm này vì một số vitamin, khoáng chất có thể làm giảm tác dụng điều trị của hóa chất và tia xạ điều trị ung thư.

Các chất chống ôxy hóa

Các chất chống ôxy hóa bao gồm vitamin A, C và E, selen, kẽm và một số enzym. Những chất này có tác dụng hấp thu và gắn các gốc tự do, hạn chế phá hủy tế bào bình thường. Nên ăn các loại rau, quả tự nhiên vì có chứa nhiều chất chống ôxy hóa. Tuy nhiên, không nên dùng các thuốc bổ sung chất chống ôxy hóa liều cao khi bệnh nhân đang điều trị hóa chất hay tia xạ.

Thảo dược

Thảo dược đã được sử dụng trong điều trị bệnh hàng trăm năm nay, cho các kết quả rất khác nhau. Ngày nay, thảo dược được chế biến trong rất nhiều dạng sản phẩm như viên, dịch, trà, dầu... Nhiều sản phẩm không độc hại và an toàn khi sử dụng, nhưng một số có thể gây ra tác dụng phụ có hại và nguy hiểm; thậm chí còn làm hạn chế tác dụng của thuốc điều trị ung thư (hóa chất, tia xạ). Nếu người bệnh muốn dùng thảo dược thì nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.

ThS.BS. Ngọc Lâm

4 tác dụng phòng bệnh tuyệt vời của rượu nếp trong ngày Tết Đoan ngọ

Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tác hại không tốt cho cơ thể. Do đó, theo truyền thống, người xưa chọn ngày muàng 5/5 âm lịch hằng năm để giết sâu bọ.

Người xưa quan niệm rằng, dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để “giết "sâu bọ. Người xưa còn cho rằng, ăn rượu nếp hay cơm rượu khi bụng đói sẽ làm cho các chú sâu trong bụng dễ "say lử đử" rồi chết ngất.

Rượu nếp phòng tránh thiếu sắt.

1. Rượu nếp giúp phòng ngừa tim mạch, đột qụy, tăng huyết áp

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng- Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp thì thấy rằng cơm nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu. Tiến hành nghiên cứu trên 2 nhóm bệnh nhân. Một nhóm dùng thuốc hạ huyết áp, còn nhóm kia ăn cơm rượu nếp cẩm. Cả 2 nhóm này đều tham gia vào chương trình điều trị bằng cách thay đổi lối sống.

Công trình nghiên cứu cho thấy sau 12 tuần và sau 24 tuần, lượng cholesterol (gồm cholesterol có hại và tổng mức cholesterol) giảm nhiều ở nhóm ăn cơm gạo nếp cẩm.

2. Rượu nếp cẩm phòng chống ung thư

Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này. Họ phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin - một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt...

Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxi hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư. Theo UPI, gạo nếp cẩm có màu đen sẫm, khi nấu lên sẽ chuyển thành màu tím sẫm. Nó chứa nhiều khoáng chất và một vài loại amino axit.

Các món thông thường từ nếp cẩm là xôi nếp cẩm, rượu cơm nếp cẩm, gần đây ở Hà Nội còn có món sữa chua nếp cẩm ăn cũng thú vị và tuyệt vời.

Cơm nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu. Rượu nếp ăn kèm sữa chua cũng là món ưa thích của trẻ em

3. Kích thích tiêu hóa

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, rượu nếp cái, rượu nếp cẩm là thức ăn đồng thời cũng là đồ uống, dùng nguyên cả nước lẫn cái, hương vị ngon thơm được nhiều người ưa chuộng, kể cả người cao tuổi và trẻ em. Món ăn này không những có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hoá.

Rượu nếp cẩm kết hợp với sữa chua cũng là một món ăn tốt cho tiêu hóa và hấp dẫn trẻ. Cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp. Vì vậy, khả năng gây say của cơm rượu gần như không có. Vì khi làm cơm rượu, người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, trong khi rượu sẽ ủ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn.

4. Phòng bệnh thiếu sắt

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, lượng sắt trong gạo nếp rất cao. Do vậy nếu chúng ta ăn gạo nếp cẩm mỗi ngày sẽ phòng được các bệnh về thiếu sắt.

Cách chế biến món rượu nếp:

Rượu nếp nếp cẩm hay nếp cái hoa vàng đều chế biến theo cách sau:

Nếp cẩm có tên khoa học là Philydrum lanuginosum Banks, còn gọi là nếp than (ở nước ta, nếp than có tới 2 loại: than lợt (đỏ đậm) khi nấu rượu sẽ thành màu đỏ và than đen (tím đen) khi nấu rượu sẽ thành màu tím đậm) hay còn gọi là gạo đen.

Nếp có màu tím đỏ. Cách làm như với nếp lức (phân lượng 1kg nếp) nhưng thời gian sẽ để lâu hơn với mục đích lấy nước rượu để uống. Lưu ý vài chi tiết như sau:

Cho xôi đã trộn men vào 2/3 thể tích vật chứa như hũ, lọ với nửa lít rượu trắng trên 40 độ. Đậy kín để ở chỗ thoáng mát, không có ánh sáng chiếu trực tiếp vào, nơi bóng tối càng tốt. Để trong 15 - 17 ngày, quan sát thấy hạt xôi chuyển thành dạng bột hoàn toàn và lắng xuống đáy hũ thì nhẹ tay chắt lấy phần nước rượu trong ở trên ra bình chứa khác (phần rượu có chất bột để riêng, đậy kín rồi để thêm 15 ngày nữa vẫn trong chỗ thoáng mát, không có ánh sáng... là uống được.

Tùy ý có thể cho thêm nước đường và rượu trắng vào để thay đổi chất lượng rượu.

Chú ý: Cơm rượu có thành công hay không là do viên men cũ hay mới, tốt hay xấu.

Thanh Loan

5 cách tự nhiên giải độc cơ thể

Đặc biệt khi thời tiết trở lạnh làm cho chúng ta lười nhác ngủ vùi cùng với việc ăn ngon miệng khiến cơ thể chúng ta trở nên trì trệ và nặng nề, việc thải độc cơ thể lại càng trở nên cấp thiết. Thực hiện theo năm bước dưới đây để làm sạch cơ thể của bạn một cách tự nhiên và loại bỏ các độc tố ra khỏi cuộc sống của bạn.

1. Bắt đầu buổi sáng với một cốc nước trái cây lớn

Thay vì uống một tách cà phê yêu thích hoặc một tách trà đen, hãy nhâm nhi một cốc nước trái cây giúp cơ thể khỏe mạnh và loại bỏ độc tố. Hãy chắc chắn rằng bạn không thêm đường và mật ong vào cốc nước.

Nước chanh, mơ, dâu hoặc kiwi là một thay thế lành mạnh so với cà phê và trà đen giúp làm sạch cơ thể đồng thời tăng cường cho hệ miễn dịch. Trà xanh cũng là một thức uống lành mạnh trừ khi bạn mua loại đóng chai và thêm đường vào nó.

2. Tăng cường hệ tuần hoàn

Tập thể dục kích thích cơ thể và giúp nó tự thanh lọc. Tập thể dục cải thiện việc lưu thông máu và các lympho, giúp gan và hạch bạch huyết tự làm sạch các chất lỏng có chứa tế bào máu trắng trong cơ thể. Hơn nữa, tập thể dục mở ra các tuyến mồ hôi và qua đó giúp làm sạch da.

Chạy, đi xe đạp, đi bộ, nhảy dây, bơi lội, yoga là các bài tập tốt cho giải độc cơ thể của bạn. Tuy vậy bạn cũng đừng lạm dụng nó. Nếu không phải giảm cân, chỉ cần 10 phút mỗi sáng hoặc 20-30 phút ba lần một tuần đủ để thúc đẩy giải độc cơ thể bạn. Uống đủ nước và uống trước và sau khi tập thể dục buổi sáng.

giai doc co the, uong sinh to giai doc co the

Hãy bắt đầu buổi sáng với một cốc sinh tố lớn

3. Thưởng thức một bữa ăn sáng lành mạnh

Nếu bạn đang trải qua một mùa đông nặng nề và ì ạch, một ly sinh tố rau xanh đậm dinh dưỡng là sự lựa chọn hữu hiệu vào bữa ăn sáng của bạn. Nếu bạn chỉ để làm sạch cơ thể, sinh tố và salad rau ăn kèm với một quả trứng cho bạn bữa ăn sáng đủ dinh dưỡng mà vẫn thanh lọc cơ thể.

Với bữa trưa và bữa tối, bạn nên kết hợp thực phẩm một cách cẩn thận và loại bỏ bất kỳ món ăn nào gây đầy hơi. Hãy ăn trái cây và rau xanh cũng như các loại hạt giúp cơ thể bạn thanh lọc tốt mà vẫn cung cấp đủ năng lượng.

4. Loại bỏ chứng chướng bụng

Đầy hơi chướng bụng là một hiện tượng mà chúng ta không phải chưa bao giờ gặp, nhưng lại ít khi đề cập tới và thường bị coi như một vấn đề tạm thời trong khi thực tế nó có thể trở thành mãn tính. Kết hợp thực phẩm chống lại hiện tượng đầy hơi như bồ công anh, dưa leo, đu đủ, chuối, gừng, măng tây, hạt cây thì là, hoa cúc, và bạc hà vào kế hoạch bữa ăn hàng ngày của bạn là một cách hiệu quả để loại bỏ chướng hơi tự nhiên.

5. Tắm hơi

Tắm hơi giúp loại bỏ chất thải qua mồ hôi. Thêm vào đó, nó giúp đốt cháy 63-84 calo chỉ trong 30 phút. Nhưng lựa chọn này không phải dành cho tất cả mọi người. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chọn thư giãn trong phòng xông hơi và đừng quên uống nhiều nước để cân bằng độ pH của bạn.

Mai Hương/HVQY

(theo Diet Amerikanka)

Chuyên gia bày cách bổ sung dinh dưỡng duy trì sức khỏe dù thức đêm xem World Cup

Nhiều hệ lụy sức khỏe khi thức đêm xem bóng đá

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, thức đêm là cách làm cho cơ thể con người bị thay đổi nhịp sinh học bình thường, nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Thức khuya triền miên, có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh, tiêu hóa, tim mạch… , ngay cả mắt khi phải làm việc liên tục trong thời gian dài cũng dễ dẫn đến mệt mỏi.

Cơ thể con người cần 7-8 tiếng mỗi ngày để ngủ, hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, thức đêm khiến cho cơ thể con người phải tiêu tốn một nguồn năng lượng nhất định, khi đó các tế bào não không đủ năng lượng dẫn tới tình trạng thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ, hay quên, PGS Lâm cho biết. Thiếu ngủ kéo dài còn khiến nhiều cơ quan trong cơ thể luôn ở trạng thái hoạt động, sáng dậy sẽ dẫn đến mệt mỏi, nếu không được bổ sung dinh dưỡng trong thời gian này còn dẫn tới thiếu chất.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS Lâm cho rằng, với một số người mắc các bệnh mạn tính không nên thức khuya để xem đá bóng như những người có vấn đề về sức khỏe tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, rối loạn lipid máu… đều không nên thức đêm liên tục. Ví dụ như với những người bị bệnh tăng huyết áp, thức đêm nhiều sẽ khiến tình trạng tăng huyết áp xấu đi.

Những thực phẩm gây hại cần tránh xa

Trước mỗi trận bóng đá World Cup diễn ra, những người đàn ông thường rủ nhau tụ tập vừa xem bóng đá vừa gặp gỡ bạn bè. Nhiều đấng nam nhi được dịp tổ chức các cuộc nhậu đêm ở quán bia để xem đá bóng lại được cùng nhau cổ vũ cho “có không khí”. Tuy nhiên, uống rượu bia thâu đêm như vậy rất hại cho sức khỏe.

Uống rượu bia, nhậu nhẹt thâu đêm gây hại cho sức khỏe

PGS Lâm cho rằng, uống rượu bia hoặc ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ như thịt nướng, thịt rán không tốt cho sức khỏe, nhất là tim mạch bởi trong các loại thực phẩm này thường chứa chất béo bão hòa, có nhiều chất béo chuyển hóa như transfat. Điều này không tốt cho sức khỏe tim mạch. Khi khẩu phần ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo đồng phân- transfat sẽ dẫn đến tăng tình trạng chuyển hóa lipid trong máu, tăng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, gây các biến cố về tim mạch.

Một số món ăn rất có hại khi ăn đêm như ăn quá nhiều các loại thịt nướng, thịt rán, dăm bông, xúc xích hoặc các loại phủ tạng động vật, thực phẩm nhiều cholesterol….

Ăn thế nào để vẫn khỏe để xem đá bóng?

Theo PGS Lâm, World Cup 4 năm mới có 1 lần, ít người yêu thể thao có thể kìm nén không xem các trận bóng đá đỉnh cao. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe của mình, mỗi người tùy theo thể trạng, sức khỏe mà cần cân nhắc có nên thức khuya xem đá bóng không. Tốt nhất không nên thức khuya trong thời gian dài, có thể cân nhắc trận bóng đá nào hay để xem, còn lại có thể xem tường thuật lại, tranh thủ nghỉ ngơi, nhất là với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính.

Trong mùa World Cup, nhiều người thường rủ nhau tụ tập xem bóng đá tại các quán ăn

PGS Lâm cũng khuyên, với những người vẫn còn đang đi làm, càng không nên thức khuya liên tục bởi hôm sau chúng ta cần đủ tỉnh táo để bắt đầu làm việc, PGS Lâm khuyên. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất công việc. Nếu hôm trước thức khuya xem đá bóng, hôm sau cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để có sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng làm việc. Nên bổ sung đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng như ngũ cốc, chất đạm từ trứng, sữa, thịt, cá, hải sản, đậu đỗ, đậu phụ…. cần bổ sung thêm rau xanh, quả chín nếu điều kiện cho phép. Nếu công việc đòi hỏi sự tập trung cao, sử dụng nhiều trí óc, có thể bổ sung thêm 1 cốc trà hoặc cà phê giúp tỉnh táo. Nhiều người sau thức khuya thường tranh thủ ngủ bù vào buổi sáng mà bỏ bữa sáng, điều này là hoàn toàn không nên.

PGS Lâm còn cho biết, trong thời gian thức khuya xem đá bóng, những người hay thức khuya xem bóng đá cần bổ sung một số chất như chất béo omega 3, đặc biệt là DHA để sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, tốt cho não bộ. Một số khoáng chất như magie, canxi, kẽm, các vitamin cũng cần bổ sung vào chế độ ăn, ngoài ra các loại vitamin như vitamin B6, B12, B2, B1…. góp phần sản xuất năng lượng cho tế bào của cơ thể.

Khi thức khuya, người hâm mộ bóng đá có thể bổ sung một số loại thực phẩm như hoa quả, các loại hạt giúp bổ sung đạm, chất béo tốt cho sức khỏe hơn các loại thịt, như lạc rang, lạc luộc cũng thêm năng lượng. PGS Lâm khuyên, thay vì cùng nhau uống bia chúng ta có thể chuyển sang uống sinh tố hoặc uống nước ép hoa quả… .

Hải Yến

Chế độ ăn có thể giúp giảm cơn co giật

Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định mối liên quan nhân quả giữa tính nhạy cảm với co giật và vi khuẩn ruột. Chế độ ăn liên quan đến keton có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm việc giảm đi co giật ở trẻ em bị động kinh (những người không đáp ứng với thuốc chống động kinh). Tuy nhiên chưa có sử giải thích rõ ràng là chế độ ăn này giúp ích ra sao ở những trẻ bị chứng động kinh.

Chế độ ăn có thể giúp giảm cơn co giật

Các chuyên gia đã đặt ra giả thuyết là vi khuẩn đường ruột được biến đổi bởi chế độ ăn tạo keto và là yếu tố quan trọng trong tác dụng chống co giật. Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm hiểu xem vi khuẩn có khả năng bảo vệ chống lại co giật không. Trong nghiên cứu mô hình chuột đã bị động kinh, các chuyên gia thấy chế độ ăn tạo keton đã thay đổi vi khuẩn ruột ít hơn 4 ngày và những chuột này giảm đáng kể cơn động kinh, người ta phân tích ảnh hưởng chế độ ăn này trên hai nhóm chuột: nhóm không có vi khuẩn ngoại sinh ở môi trường vo khuẩn và nhóm được điều trị kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn đường ruột. Trong cả hai nhóm, chế độ ăn tạo keton không khác biệt về khả năng bảo vệ khỏi cơn co giật, điều này cho thấy vi khuẩn đường ruột được chế độ ăn này giảm đi khả năng bị co giật. Các phân tử được biết là nucleotide từ ADN của vi khuẩn đường ruột xác định được sự hiện diện của nó với mức nào đó sau khi dùng chế độ ăn tạo keton. Họ xác định được hai loại vi khuẩn có mức tăng bởi chế độ ăn và đóng vai trò quan trọng trong tạo ra sự nảo vệ đó là: chủng Akkermansia muciniphila and Parabacteroides. Với kiến thức mới này, các chuyên gia nghiên cứu chuột không có vi khuẩn này và tìm thấy có thể tạo ra sự bảo vệ khỏi co giật nếu thêm vào các chủng vi khuẩn đặc biệt này. Nếu chỉ thêm các chủng khác một mình thì không có khả năng giảm cơn co giật. Sau khi đo hàm lượng của hàng trăm chất sinh học ở ruột, máu và vùng hải mã ở não (vùng đóng vai trò quan trọng trong khởi phát co giật) thì nhận thấy có sự thay đổi làm ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh ở vùng hải mã. Vi khuẩn làm tăng chất dẫn truyền GABA ở não. Cần phải tìm hiểu thêm rõ ràng cơ chế để có thể đưa ra khuyến cáo chế độ ăn ở trẻ bị bệnh động kinh nhằm hạn chế các cơn co giật.

ĐẶNG MINH TRÍ

((Theo Cell, 6/2018))

Đường hóa học

Vừa qua một tờ báo có đăng bài về công ty hóa chất M... (của nước ngoài), từ năm 2000 tuyên bố dừng sản xuất chất tạo ngọt aspartame, nhưng lại cho rằng chất tạo ngọt này không gây ra bất kỳ bệnh gì, tác hại gì đến sức khỏe người sử dụng. Dù vậy, một số công trình nghiên cứu cho thấy các sản phụ khi dùng chất tạo ngọt này sẽ có nguy cơ bị sinh sớm...

Đường hóa học là gì?

Đường hóa học còn được gọi chất tạo ngọt nhân tạo, chất thay thế đường thông thường là hóa chất tổng hợp dùng thay thế đường mía (đường cát, sucrose) vì có vị ngọt có độ ngọt gấp trăm lần (và có thể hơn thế nữa) so với vị ngọt của đường tự nhiên. Đặc biệt, đường hóa học không cung cấp hoặc cung cấp rất ít năng lượng.

Những đường hóa học đang được phép sử dụng như saccharine, acesulfam K, aspartame, isomalt, sorbitol, sucralose, maltitol, lactitol, xylitol nhưng vẫn phải dùng trong giới hạn cho phép.

Đường hóa học - tác dụng và tác hại

Sau đây là một số đường hóa học bị “ba chìm bảy nổi” do tai tiếng.

Trước hết là saccharine. Chất tạo ngọt này được sử dụng rất phổ biến bởi giá thành rẻ, độ ngọt cao (gấp 200 - 700 lần đường kính). Saccharine có một thời gian dài bị FDA Mỹ cấm lưu hành, sau đó nhiều năm tiếp tục được nghiên cứu, cuối cùng chất tạo ngọt nhân tạo này “được minh oan”, và lệnh cấm đã được gỡ bỏ. Liều saccharine dùng hàng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe của đường hóa học này là 5mg/kg/ngày.

Aspartam không phải là độc chất nếu dùng nó đúng liều để hỗ trợ chữa bệnh béo phì, đái tháo đường

Còn cyclamate, ở nước ta trong thời gian dài cyclamate nằm trong danh mục cấm sử dụng, mới đây, có nguồn tin Cục Quản lý An toàn Thực phẩm nước ta đã cho phép đưa cyclamate vào danh sách dùng trong thực phẩm. Điều đó có nghĩa cơ quan chức năng đã có đủ chứng cứ khoa học để chấp nhận sử dụng chất phụ gia trước đây bị cấm này. Cyclamate có độ ngọt thấp nhất trong các chất tạo ngọt nhân tạo, từ 30 - 50 lần so với đường kính.

Thứ ba là aspartam và tai tiếng gán cho nó có hơi bị oan. Ra đời sau saccharine và có độ ngọt thấp hơn, nhưng aspartame vẫn là một chất tạo ngọt nhân tạo được dùng khá phổ biến, nhất là trong dược phẩm (đang được một công ty dược ở TP.HCM dùng để sản xuất đường cho người ăn kiêng như người mắc bệnh tiểu đường như bạn đọc đã ghi nhận) và các loại đồ uống cho người ăn kiêng. Aspartame ngọt hơn đường 160 - 220 lần.

Đặc biệt aspartame có cấu trúc dipeptid, được cấu tạo từ 2 axít amin là axít aspartic và phenylalanin, hai thành phần này đều tồn tại trong tự nhiên. Tuy nhiên bản thân aspartam không tồn tại trong tự nhiên. Nó được điều chế thông qua các quá trình lên men và tổng hợp. Aspatame được hơn 350 triệu người trên thế giới tiêu thụ đều đặn và chiếm khoảng 62% thị trường các chất tạo ngọt nhân tạo.

Quan điểm của nhiều tổ chức có uy tín hiện nay ủng hộ việc sử dụng aspartam trong hạn mức cho phép, bao gồm Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Quản lý Dược - Thực phẩm Mỹ (FDA)…. Liều dùng cho phép của aspartame mỗi ngày (ADI) là nhỏ hơn hoặc bằng 40mg/kg thể trọng.

Có nhiều sản phẩm được phép sử dụng đường hóa học (tất nhiên là với hàm lượng nhỏ, không vượt quá mức cho phép). Lợi ích của đường hóa học là chất tạo vị ngọt nhưng lại không cung cấp năng lượng (rất hữu ích cho những người béo phì), không cung cấp glucose vào máu (có lợi cho người bị bệnh đái tháo đường), không hỗ trợ cho vi khuẩn hại men răng (tính chất này được tận dụng vào các sản phẩm chăm sóc răng miệng).

Như vậy, chỉ có những sản phẩm tiêu dùng được ứng dụng các tính chất trên mới được phép sử dụng đường hóa học, còn những sản phẩm khác thì bị cấm triệt để. Ngay cả những loại sản phẩm được phép sử dụng đường hóa học cũng rất cần được quản lý và hướng dẫn dùng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn khi sử dụng, vì nếu dùng quá liều (đối với loại được phép sử dụng) cũng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Không nên lạm dụng

Như vậy, đối với câu hỏi của bạn đọc là aspartame có phải là độc chất không, dùng có an toàn hay không, có thể trả lời aspartam không phải là độc chất nếu dùng nó đúng liều để hỗ trợ chữa bệnh béo phì, đái tháo đường. Khi dùng đường hóa học, phải luôn chú ý đến quy định liều lượng (ADI) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). ADI là quy định liều lượng có thể dùng được đối với 1kg cơ thể trong ngày. Chẳng hạn aspartame có ADI là 40mg thì mức tiêu thụ tối đa nếu bạn 60kg là 60 x 40 = 2.400mg, nhưng WHO vẫn khuyên bạn chỉ nên sử dụng 30% liều lượng cho phép tức là 800mg/ngày để bảo đảm an toàn cho gan, thận.

Ở đây cần nói thêm về việc lạm dụng đường hóa học. Do bản chất đường hóa học là chất tạo vị ngọt, nó không mang lợi bất cứ lợi ích hữu dụng nào cho cơ thể nên việc ăn đường hóa học không giúp chúng ta khỏe lên được. Nhưng đối với những bệnh nhân đái tháo đường, dư cân béo phì thì nó có lợi bởi vừa đảm bảo mức đường huyết ở mức ổn định, giúp giảm cân, vừa tạo khẩu vị khi ăn uống (rõ ràng dùng một cách bất khả kháng). Riêng đối với giới sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngọt vì lợi nhuận bất chính có thể sẽ lạm dụng đường hóa học vô tội vạ.

Có người mô tả việc sử dụng đường hóa học, cụ thể là saccharine hay cyclamate trong chế biến thực phẩm ở Việt Nam lâu nay có thể dùng hai chữ là “tùm lum”. Các nhà sản xuất thực phẩm sử dụng đường hóa học vì nó ngọt gấp rất nhiều lần và giá thành rất rẻ so với đường mía, đương nhiên lợi nhuận sẽ cực kỳ hấp dẫn. Rất đáng lo ngại hơn là liều dùng như thế nào, chất lượng đường hóa học ra sao có thể không sao kiểm soát được.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Phòng ngừa ngộ độc thủy

Những triệu chứng và nguyên nhân

Các triệu chứng của dị ứng thường là mẩn ngứa, nổi mề đay, sổ mũi, mắt ngứa đỏ, tụt huyết áp, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy… Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiêu chảy là do thức ăn này lạnh, nhưng thực ra là do trong hải sản có độc tố.

Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng

Các loại: tôm, cua, ốc, cá… đều có thể nhiễm vi khuẩn. Nhiều người cho rằng nước biển mặn sẽ hạn chế vi khuẩn phát triển. Nhưng thực ra có những loại vi khuẩn ưa mặn sống được cả trong nước biển. Đáng chú ý là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, một trong những nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc thức ăn ở vùng biển. Vi khuẩn này gây ra hai loại hội chứng lâm sàng là tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu kèm theo đau bụng và sốt nhẹ. Trong hải sản có thể chứa các độc tố từ tảo gây nguy hiểm cho người ăn. Độc tố tảo phycotoxins sinh sản trong các rạn san hô ven bờ, là nơi sinh sống của các loài thân mềm như: nghêu, sò, cua, tôm… Các độc tố tảo này không nguy hại đến các sinh vật biển nhưng chúng sẽ gây ngộ độc cho người nếu ăn phải. Độc tố tảo phycotoxins không bị phân hủy khi đun nấu, có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, gây liệt cơ, mất trí nhớ…

Hải sản cũng có thể nhiễm kim loại nặng như: asen, thủy ngân do môi trường ô nhiễm. Chất độc hại thường lắng đọng ở lớp bùn nên các loài sống ở tầng đáy như: ngao, sò, ốc, hến… rất dễ bị nhiễm độc. Các loài cá to cũng thường bị nhiễm độc nặng hơn do quá trình tích lũy thức ăn. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, không nên ăn các loại cá lớn như cá mập, cá kiếm, cá thu loại lớn, cá kình… vì hàm lượng thủy ngân tích lũy trong chúng khá lớn.

Thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại virút, vi khuẩn phát triển mạnh, đặc biệt là thức ăn có nhiều dầu, đạm như hải sản nếu ôi thiu hoặc không được chế biến kỹ thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao.

Nếu loại trừ yếu tố nói trên, nếu hải sản tươi sống không được nấu chín kỹ, hoặc chỉ chín một phần cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.

Thêm một điểm cần đặc biệt chú ý là có nhiều trẻ cơ địa không thích ứng với một vài loài hải sản (tôm, cua, mực, ốc…), do vậy khi dùng thức ăn có nguồn gốc từ những loài đó cũng sẽ gây ngộ độc và dị ứng.

Khi ăn phải các loại thịt cá, hải sản có chứa dư lượng phân urê cao tới một mức nào đó, người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhiều lần... rất nguy hiểm. Còn nếu ăn phải thường xuyên, nay một ít, mai một ít, về lâu dài người ăn sẽ bị ngộ độc mạn tính, với các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ, v.v...

Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiêu chảy là do thức ăn này lạnh, nhưng thực ra là do trong hải sản có độc tố

Làm sao đề phòng?

Để phòng ngừa ngộ độc hải sản ở trẻ nhỏ, các bà mẹ cần phải lưu ý những điều sau:

- Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng.

- Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc.

- Đối với cá, phải làm ngay khi cá còn tươi và bỏ toàn bộ lòng ruột vì trong ruột cá có nhiều vi khuẩn, có thể thấm nhanh vào thịt cá gây ngộ độc.

- Không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì những loài sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác với bình thường.

- Khi chế biến phải nấu chín kỹ, hải sản để đông lạnh trước khi chế biến phải rã đông, tránh tình trạng nấu chín không kỹ bên trong do chưa rã đông hết.

- Nấu xong phải cho trẻ ăn ngay, nếu sau 2 giờ mới ăn cần đun sôi lại.

- Những trẻ có cơ địa dị ứng khi ăn thủy - hải sản cần cho ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng thì phải ngừng lại ngay.

ThS.BS. LÊ THỊ HẢI

Nên dùng nước uống nào khi thức đêm?

Thức uống gây hại cơ thể khi uống ban đêm

Đồ uống có cồn: Khi uống bia rượu mang lại cảm giác sảng khoái. Nhưng rượu bia có thể khiến bạn thường xuyên thức giấc, ngủ không yên, bị nhức đầu, gặp ác mộng... Nếu uống bia rượu vào ban đêm, thức uống này thường gây mất nước và trào ngược axit, do tác động của rượu, bia gây nới lỏng van nối dạ dày và thực quản. Lâu dần sẽ hình thành bệnh lý vùng dạ dày - thực quản.

Cà phê: Thông thường, uống cà phê ở mức độ vừa phải sẽ ít tác hại. Nếu sử dụng hàng ngày và dùng một lượng lớn để chống lại cơn buồn ngủ thì nên dừng ngay. Cà phê có thể trở thành nguyên nhân gây khó ngủ, mất ngủ, đau đầu... Cà phê có thể gây bất ổn về tâm lý, làm tăng huyết áp, khiến cho nhịp tim thất thường hoặc gặp phải những rắc rối về dạ dày...

Nước tăng lực: Trong các loại nước tăng lực đều có chứa lượng đường cao và chất caffeine có tác dụng kích thích thần kinh, mang lại cảm giác cực kỳ hưng phấn, song uống sau khi ăn tối và trước khi đi ngủ sẽ khiến bạn phải trằn trọc cả đêm. Người uống quá nhiều nước tăng lực sẽ có nguy cơ béo phì do hấp thu quá lượng đường cần thiết.

Nước ngọt có ga: Loại đồ uống này ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, sản sinh ra khí CO2, gây trướng bụng đầy hơi. Nước ngọt cũng tăng nguy cơ thừa cân béo phì, đe dọa sức khỏe răng miệng... Khi uống vào ban đêm sẽ kích thích đi tiểu nhiều, do vậy sẽ mất ngủ và ảnh hưởng sức khỏe.

Nên uống loại nước nào?

Loại nước tốt nhất khi thức đêm là nước khoáng và nước đun sôi để nguội, hoặc các thức uống từ thảo dược, vừa cung cấp chất bổ dưỡng vừa thanh lọc độc tố khỏi cơ thể. Chỉ nên uống với lượng vừa phải để không phải thức dậy đi tiểu đêm, sẽ mất ngủ và rất mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Minh Long